Trang thông tin điện tử xã Nghĩa Tiến- Thị xã Thái Hòa - Nghệ Anhttps://nghiatien.thaihoa.nghean.gov.vn/uploads/logo.jpg
Thứ hai - 20/05/2024 04:13
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng trên địa bàn xã Nghĩa Tiến Tác giả: Đinh Minh Tú – Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Tiến.
Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng đã được xã Nghĩa Tiến đặc biệt quan tâm, coi đây là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghĩa Tiếncách trung tâm thị xã Thái Hòa hơn 5km về phía Tây Nam, địa bàn xã có 2 trục đường chính đi qua, đó là quốc lộ 48 và quốc lộ 48D. Phía Bắc giáp xã Nghĩa Thành và Phường Quang Tiến, phía Tây giáp xã Nghĩa Thành, phía Nam giáp xã Tây Hiếu và Phường Long Sơn, phía Đông giáp Phường Long Sơn, có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.269,30 ha. Có 5 xóm với hơn 4.300 nhân khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc chiếm hơn 35% (chủ yếu là dân tộc thổ). Tuy là xã còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân đã từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang hướng công nghiệp, xây dựng. thương mại, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp từng bước được chú trọng đầu tư các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, công tác QP-AN luôn được đảm bảo ổn định.
“…Vui tiếng cồng làng Đong, vui tiếng chiêng làng Bồi…”, còn nhớ một câu trong bài hát viết về Nghĩa Đàn xưa. Tiếng cồng, tiếng chiêng đã không biết có tự bao giờ, nhưng cứ mỗi dịp lễ hội Làng Vạc hay mỗi dịp có hoạt động, chương trình của xã Nghĩa Tiến nói riêng và thị xã Thái Hòa nói chung, lại rộn ràng hơn bởi âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng hòa chung với tiếng Trống, kèn, sạp do những người dân chân chất biểu diễn. Văn hóa cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng Đong và vùng Bồi xã Nghĩa Tiến nơi đây. Chính vì sức cuốn hút của tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng kèn mà trước đây, trong những dịp lễ, tết, hội làng nhiều người Thổ ở xã Nghĩa Tiến thường đến làng U (Nghĩa Thắng), làng Rạch, làng Lở (Quang Tiến ngày nay) để chơi cồng, thi hát Cuối…Đặc biệt năm 1987, đội cồng chiêng của xã vinh dự được đại diện cho dân tộc Thổ huyện Nghĩa Đàn đi dự Liên hoan Văn hóa cồng chiêng toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Buôn Hồ thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, chương trình khai mạc lễ Thông cầu Hiếu 1 năm 1996.
Hàng năm, xã đã tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa cồng chiêng như: tổ chức đội văn nghệ cồng chiêng tham gia các dịp lễ hội Làng Vạc; tổ chức các hội thi dân ca dân vũ, hội diễn văn nghệ quần chúng… Đặc biệt năm 2012 thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng và hát dân ca, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ. Chị Thanh một nghệ nhân cao tuổi nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng tâm sự: “Thông qua các hoạt động văn hóa cồng chiêng do xã và thị xã tổ chức, tôi muốn truyền đạt cho con em mình tất cả văn hóa, phong tục của người Thổ. Đặc biệt, tôi muốn thế hệ trẻ tiếp nối và giữ gìn truyền thống, thể hiện tất cả khả năng của mình để truyền đạt đến mọi người cùng nghe và để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình”.
Hiện nay, trên địa bàn xã Nghĩa Tiến có 01 đội cồng chiêng với trên 30 nghệ nhân và người dân tham gia. Mặc dù có nhiều nghệ nhân còn non trẻ nhưng đội cồng chiêng của địa phương đã được truyền dạy khá bài bản và có khả năng trình diễn thành thục. Điều này thể hiện rất rõ tại các hội thi, liên hoan trong và ngoài thị xã. Chị Hồ Thị Luật (xóm làng Đong, xã Nghĩa Tiến) chia sẻ: “Để giữ gìn phát huy giá trị nét văn hóa truyền thống của quê hương, Tôi cùng các nghệ nhân trong làng dạy đánh cồng chiêng cho các con, các cháu bởi nếu lâu ngày không được đánh cồng chiêng thì con cháu sẽ quên hết. Tôi muốn các cháu sẽ luôn nhớ về cội nguồn dân tộc mình, giữ gìn và phát huy nét đẹp của cồng chiêng nơi đây”.
Những năm gần đây,sự bùng nổ thông tin bởi công nghệ hiện đại, sự giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh, nhiều sản phẩm văn hóa từ khắp nơi tràn đến, thế hệ trẻ dễ dàng để tiếp thu những văn hóa mới, nhưng lại thiếu chọn lọc, nên đã ảnh hưởng xấu tới văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa cồng chiêng truyền thống ngày càng có nguy cơ bị nhàm chán, mai một. Bên cạnh đó, việc chưa có một không gian để lưu trữ và giữ gìn các vật dụng, dụng cụ, mang đậm bản sắc văn hóa của người đồng bào dân tộc cũng làm ảnh hưởng đến sự bảo tồn và phát huy hết giá trị các bản sắc văn hóa nơi đây. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa cồng chiêng đang đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết với sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các lực lượng và người dân trong xã, sự chung tay của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm, đến nay việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng đã đạt được những kết quả khả quan, tạo động lực tinh thần để tiếp tục gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng. Trong thời gian tới, Đảng ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị địa phương phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục thực hiện việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng trên địa bàn xã ngày càng tốt hơn./.